Trong lịch sử loài người nói chung và lịch sử nội thất nói riêng, cuộc sống con người dường như gắn liền nhiều nhất với những chiếc ghế. Trừ lúc ta ngủ, mọi hoạt động từ nghỉ ngơi, làm việc, hội họp, thậm chí cả khi di chuyển, tham gia giao thông đều cần sự có mặt của những chiếc ghế. Ghế trong góc độ xã hội còn ẩn ý, ám chỉ một vị trí, địa vị xã hội. KTS nổi tiếng Ludwig Mies van der Rohe từng viết đại ý rằng: “Chiếc ghế là một vật thể cực kỳ phức tạp. Thiết kế một tòa nhà chọc trời gần như dễ dàng hơn.” Văn minh loài người có thể xem xét qua khía cạnh lịch sử kiến trúc nội thất. Trong đó, lịch sử đồ nội thất nói riêng có thể được phản ánh một cách cô đọng qua việc người ta thiết kế, chế tác, sản xuất những mẫu ghế. Hãy cùng nhau ngược dòng lịch sử nhìn lại một tập hợp mang tính đại diện, tiêu biểu cho những mẫu ghế từ cổ đại tới nay.
Ngai vàng Tutankhamen (Ai Cập cổ đại)

Ghế móng ngựa triều Minh (Trung Hoa cổ đại)

Triều Minh là thời đại hoàng kim của đồ nội thất Trung Quốc (1368 – 1644) với ý tưởng cấu trúc đơn giản, đường nét rõ ràng, trang trí với liều lượng hạn chế và chạm khắc ít nhưng tinh tế. Ghế móng ngựa triều Minh được làm từ gỗ sưa với hình dáng đơn giản, lưng và tay ghế tạo thành những hình bán tròn liên tiếp. Khung ghế được thiết kế tỉ mỉ, sử dụng các khớp mộng. Khó ngờ rằng chiếc ghế này lại nằm trong “bộ sưu tập” Trung Hoa cổ đại vì các biến thể của nó còn xuất hiện khá nhiều trong các công trình hiện đại ở các nước Châu Á ngày nay.
Ghế Louis XIV (Pháp – thế kỷ 17)

Ghế Louis XVI (Pháp – cuối thế kỷ 18)

Ghế Paris có lưng ghế hình chữ nhật, viền trên cong, cắt góc và được trang trí họa tiết ruy băng. Hai bên đỉnh lưng ghế có hình trang trí nhỏ mà tinh tế. Tay vịn phủ lá trang trí, phần đầu tay vịn có hình con tiện. Khung ghế được hỗ trợ bởi bốn chân thon xoắn ốc. Về hình dáng chung, ghế Paris là phiên bản đơn giản hơn của ghế thời Louis XIV. Các chi tiết chạm khắc đã được lược bỏ bớt mà vẫn bề thế trong sự thanh thoát.
Ghế bành mạ vàng (Nga – cuối thế kỷ 18)

Ghế bành mạ vàng được làm bằng gỗ hồng hoặc gỗ phong là một ví dụ điển hình cho văn hóa Nga thời kỳ này. Tay ghế mạ vàng có phần đầu cuộn tròn và hình thiên nga đỡ bên dưới tay vịn. Lưng ghế và đệm ngồi phủ lụa. Chiếc ghế này được tạo hình rất công phu như một tác phẩm điêu khắc.
Ghế hội trường 17 (Gothic – cuối thế kỷ 18)

Ghế thùng (Nghệ thuật & Thủ công Mỹ)

Ghế Eugene Gaillard (Art Nouveau – Pháp)

Ghế phòng khách (Art Deco Pháp – thế kỷ 18)

Bộ ghế phòng khách bao gồm một ghế sofa và hai ghế bành làm bằng gỗ uốn, có bánh xe, đệm da màu kem với thiết kế “đám mây.” Màu kem tạo tương phản, làm nổi bật màu của gỗ. Hình dáng cong của ghế gợi đến thiết kế ghế bành truyền thống của Pháp. Tỉ lệ phong phú và hài hòa với đường nét đơn giản nhấn mạnh vào sự thoải mái là dấu ấn của phong cách Art Deco. Hình dáng của đệm ghế thể hiện sự sang trọng với ý tưởng nằm trên những đám mây. Gầm ghế có hình dáng mềm mại của phong cách Rococo Pháp thế kỷ 18. Gỗ phong và gỗ sồi thường được các nhà sản xuất nội thất thời Art Deco ưa chuộng và trở thành mốt trong những năm 1920.
Ghế bập bênh (Nghệ thuật và Thủ công)

Ghế bọc vải hoặc da, phần đệm lưng có dây móc với thành lưng ghế. Đầu tay vịn để lộ mộng gỗ vừa để làm khớp nối vừa để trang trí. Các chi tiết như mộng gỗ để lộ, năm thanh dọc hai bên tay vịn và “côn sơn” (gối đỡ) gỗ nhỏ dưới tay vịn là điểm nhấn của đồ nội thất thủ công của Gustav Stickley (1880-1920).
Ghế Rietveld (Chủ nghĩa hiện đại)

Ghế của KTS Le Corbusier (Chủ nghĩa hiện đại)

Mặc dù nhà thiết kế Charlotte Perriand và Pierre Jeanneret không nổi tiếng bằng KTS Le Corbusier, họ có ảnh hưởng rất lớn đến những thiết kế nổi tiếng nhất của ông. Nhà thiết kế Pierre Jeanneret là anh em họ của kiến trúc Le Corbusier và bắt đầu làm việc với ông từ năm 1922. Còn nhà thiết kế Charlotte Perriand được Le Corbusier tín nhiệm khi ông nhìn thấy triển lãm đồ nội thất mạ nhôm và crom của bà.
Ghế nằm B306 làm bằng thép ống mạ crom với cáng cao su và đệm da. Mặc dù chiếc ghế gắn liền với tên tuổi của Le Corbusier và mọi người có thể cho rằng ông là người chỉ đạo thiết kế, đây đúng ra là tác phẩm đồng thiết kế của cả Perriand, Jeanneret và Le Corbusier. Thiết kế ban đầu ra đời năm 1928, đây là bản tái phát hành của công ty Cassina vào những năm 60.
Ghế LC2 thuộc dòng Gran Confort là một thiết kế khác của Periand, Jeanneret và Le Corbusier. Khung ghế làm bằng thép ống mạ crom với đệm da màu đỏ tía. Thiết kế ban đầu ra đời năm 1928, đây là bản tái phát hành của công ty Cassina vào những năm 80. Các quan điểm về kiến trúc, nội thất của Le Corbusier đã được thể hiện một cách cô đọng nhất trong mẫu ghế này.
Ghế Wassily (Bauhaus)

Một chiếc ghế khác đại diện cho Chủ nghĩa hiện đại và là ví dụ điển hình cho phong cách Bauhaus là ghế Wassily thiết kế bởi Marcel Breuer (KTS người Hungary) năm 1925. Ghế có khung bằng thép ống uốn cong, đệm ghế bằng da và mặt ngồi dốc. Đây là thiết kế tiến bộ trong việc sử dụng các chất liệu công nghiệp. Các mặt phẳng chồng chéo lấy cảm hứng từ thiết kế ghế của Gerrit Rietveld. Những phiên bản đầu tiên khung ghế được mạ niken dù phần lớn được mạ crom. Chiều rộng của ghế gợi đến ghế bành Anh, mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Khung thép uốn tạo ảo giác ghế chỉ làm bằng một thanh thép đơn.
Ghế Barcelona (Chủ nghĩa hiện đại)

Ghế Barcelona thiết kế bởi Ludwig Mies van der Rohe có cấu trúc đơn giản gồm khung thép mạ crom đan chéo nâng đỡ đệm da nút trên dây da. Là một sự kết hợp hoàn hảo của cổ điển và công nghệ hiện đại, chiếc ghế này tới nay vẫn rất phù hợp với các không gian nội thất đương đại.
Ghế quả trứng (Hiện đại, giữa thế kỷ 1945-1970)

Ghế La Chaise (Hiện đại, giữa thế kỷ 1945 – 1970)

Ghế La Chaise tạo ra bởi nhà thiết kế Charles Eames làm bằng sợi thủy tinh được nâng đỡ bởi năm thanh thép đánh bóng và chân ghế bằng gỗ sồi hình chữ thập. Điểm nhấn của ghế là lỗ thủng tròn ở lưng ghế. Thiết kế của Eames đột phá với hai chỗ ngồi và không có đệm tạo nên một vẻ đẹp điêu khắc. Thiết kế này được đặt tên theo nhà điêu khắc người Mỹ gốc Pháp Gaston Lachaise để tôn vinh vẻ đẹp trần trụi mà vẫn tinh tế của nghệ thuật điêu khắc.
Ghế Lar (Hiện đại, giữa thế kỷ 1945 – 1970)

Ghế “ma” Philippe Starck (Hậu hiện đại và Đương đại, 1970 – nay)

Ghế “ma” (Hậu hiện đại và Đương đại, 1970 – nay)

Ghế Lapella (Hậu hiện đại và Đương đại, 1970 – nay)

Ghế Lapella làm bằng đá cẩm thạch Ý giữ nguyên hình dáng, tỷ lệ và độ nghiêng của ghế Wegner (1963) đồng thời mang đến một chất liệu hiện đại – đá và vật liệu tổng hợp sợi carbon. Ghế Wegner ban đầu được làm từ gỗ ép uốn cong bằng hơi nước nhưng công ty của KTS Zaha Hadid đã tạo nên một phiên bản khác sử dụng hợp chất mang sự chắc chắn của đá và co giãn của carbon. Ghế Lapella được tạo nên sử dụng công nghệ gia công cơ khí (CNC) với hỗn hợp đá cẩm thạch Ý Palissandro Classico có màu kem và sọc tinh tế kết hợp với sợi carbon 8-12mm. Công ty Zaha Hadid đã sử dụng góc độ kiến trúc để tạo nên một cấu trúc hình học với vật liệu mỏng nhẹ mà chắc chắn. Tư tưởng kiến trúc táo bạo của nữ KTS nổi tiếng Zaha Hadid phần nào đã được cô đọng lại trong tác phẩm độc đáo này.
Những ai từng ngưỡng mộ tỉ lệ của ghế Chippendale hay những chi tiết chạm khắc tinh xảo của tủ thấp Nữ hoàng Anne sẽ biết được không có kĩ năng nào giống với kĩ năng của một KTS hay nghệ nhân chế tác đồ nội thất. Cảm giác khi hoàn thành một đồ nội thất nhỏ bé nhưng lại lớn lao – từ những bản vẽ nháp, lựa chọn gỗ, mài mặt phẳng đến thêm những chi tiết trang trí – người thợ chịu áp lực trong từng bước của quá trình. Cảm giác vui sướng sẽ kéo dài khi chiếc bàn hay chiếc ghế đó được đóng tinh xảo, tồn tại qua nhiều đời và mang đến sự hài lòng cho những ai sử dụng chúng.
Bằng việc điểm qua một số mẫu ghế trong lịch sử nội thất, ta thấy phong cách đồ nội thất đã thay đổi rất nhiều qua các thế kỉ. Tuy nhiên, có một thứ giữ nguyên, đó là sự say mê và sáng tạo của những nhà thiết kế đồ nội thất. Họ lấy cảm hứng từ những người đi trước, đồng thời thể hiện phong cách của riêng mình. Có rất nhiều thứ có thể học tập khi ngắm nhìn những đồ nội thất từ khắp nơi trên thế giới.
Những mẫu ghế tiêu biểu trong lịch sử nội thất thế giới đều gắn liền với phong cách nội thất kiến trúc thời điểm chúng ra đời. Chúng phản ánh cô đọng nhất các quan điểm thẩm mỹ và công nghệ thời kỳ đó. Trong các đồ đạc nội thất từ cổ đại tới nay, dường như cấu trúc của những chiếc ghế là thay đổi ít nhất. Những cải tiến, sáng tạo về thẩm mỹ và cấu trúc kể cả sự đột phá lớn về công nghệ, vật liệu cũng không làm những chiếc ghế vượt xa những mẫu ghế ban đầu. Cũng có thể lý giải một phần điều đó bởi ghế gắn liền với con người, nói cách khác ghế cần tuân thủ chặt chẽ nhân trắc học. Ta khó có thể phát hiện khi các đồ nội thất khác trong nhà có sự sai sót trong thiết kế và thi công, nhưng đối với chiếc ghế, ta có câu trả lời ngay khi ngồi xuống. Có những chiếc ghế như muốn đẩy người ta ra, càng ngồi cảng mỏi hay mang lại cảm giác khó chịu từ các bề mặt tiếp xúc với da thịt con người. Ngược lại các thiết kế tốt đáp ứng cả nhân trắc, thẩm mỹ và khí hậu, luôn giúp ta thư thái và thỏai mái khi sử dụng.
Chiếc ghế, một đồ vật nhỏ bé trong không gian nội thất nhưng lại là thứ khó bậc nhất trong thiết kế. Dù không có quá nhiều đột phá trong cả tiến trình lịch sử nhưng cũng đủ làm ta liên tưởng tới cả một không gian mà nó thuộc về. Mượn lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thay cho lời kết: “Mệt quá thân ta này. Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi.”
PGS.TS.KTS. Vũ Hồng Cương – Trưởng Khoa NT & MTCN – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)
Tài liệu tham khảo
- Judith Miller. Furniture: World Styles from Classical to Contemporary. A Dorling Kindersley Book, 2005;
- https://www.forbes.com/;
- https://www.archdaily.com/;